Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD, Mỹ , Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn nhất.

 

Sáng 29 tháng 8, Tổng cục Thống kê vừa công bố nhiều dữ liệu quan trọng của Việt Nam trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022.

 

Theo đó, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 17,3% còn nhập khẩu tăng 13,6%.

 

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 13,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 7,6%.

 

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước tăng 26,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 20,6%.

 

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.

 

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam chủ yếu nhập về tư liệu sản xuất.

 

Cụ thể, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,3%, giảm 1,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%, tăng 1,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

 

Ở chiều ngược lại, về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, nhà chức trách nhấn mạnh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản. Cụ thể, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam rơi vào khoảng 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%, nhập siêu từ Hàn Quốc 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 9 tỷ USD, giảm 3,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 320 triệu USD, giảm 74,7%.

 

Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD.


Tổng cục Thống kê cho biết, 8 tháng đầu năm nay, ước tính Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu tăng 17,3% còn nhập khẩu tăng 13,6%.

0 Comments